Chị Phạm Tuyết Hạnh Hà hiện là Trưởng Ban Công tác học đường của mảng Giáo dục, Tập đoàn FPT. Gắn bó với FPT từ năm 2007, chị là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho các hoạt động trải nghiệm của sinh viên. Đến nay, với gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chị Hà cùng với các đồng nghiệp đã xây dựng và phát triển một hệ sinh thái trải nghiệm học đường xuyên suốt các cấp bậc đào tạo từ phổ thông đến đại học, hướng đến sự tiếp cận tri thức ngoài sách vở và phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần lẫn thẩm mỹ.
Xuất phát từ nền tảng quản lý nhà nước và hành chính công tại Học viện Hành chính Quốc gia, chị Hạnh Hà bén duyên với giáo dục thông qua lời giới thiệu của người bạn cũ từ thời sinh viên. Từ một nhân sự làm công tác sinh viên khi Đại học FPT chỉ vừa thành lập, chị đã có nhiều năm đồng hành cùng sự phát triển của tổ chức. Các ý tưởng như chương trình Personal Development Program (PDP) – nơi sinh viên học kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình hay việc đưa nhạc cụ dân tộc, võ Vovinam và các môn học khởi nghiệp thành học phần bắt buộc chính là minh chứng rõ ràng cho triết lý phát triển toàn diện thông qua trải nghiệm mà FPT kiên trì theo đuổi. Có thể thấy rằng, sự thành lập của đại học FPT vào năm 2006 đánh dấu một bước ngoặt với mô hình đại học nằm trong doanh nghiệp, từ đó mở rộng thành hệ sinh thái giáo dục trải dài từ tiểu học đến sau đại học trên toàn quốc.
Trên sóng Bản lĩnh Việt Nam, chị Hà chia sẻ, mục tiêu cuối cùng của việc học là trở thành một con người hạnh phúc, biết sống tích cực và trân trọng cảm xúc, trân trọng các trải nghiệm để trưởng thành. Cách chị lý giải về giáo dục liên quan đến khái niệm: thẩm mỹ sống. Chị mong sinh viên học để biết, học để làm, để tư duy thẩm mỹ được nâng lên. Đó là những cảm xúc tích cực trong việc học tập và rèn luyện. Điều đặc biệt trong hệ sinh thái giáo dục FPT là việc trải nghiệm đều được thiết kế bài bản, có triết lý rõ ràng, có cấu trúc đánh giá đầu ra, có sự đồng hành của chuyên gia. Những cuộc thi như “FPT Hackathon”, “Tích Tịch Tình Tang”, “Khơi Nguồn Võ Việt”, hay sân chơi Robotics quốc tế mà FPT đưa về Việt Nam là một phần của hành trình kiến tạo nên những công dân toàn diện, khát khao mang lại sự đổi thay tích cực cho bản thân và đất nước.

Dưới góc nhìn của chị Hà, thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay không giống nhau về sở thích, năng lực hay định hướng. Bởi vậy, một chương trình giáo dục tốt không thể áp đặt “đồng phục” tư duy, mà cần tôn trọng sự đa dạng và tạo ra các sân chơi phù hợp. Từ đó, chị xây dựng hệ thống trải nghiệm nhiều cấp độ cho học sinh, sinh viên được lựa chọn các vai trò như: thụ hưởng, đồng tổ chức hoặc tự khởi xướng.
Thêm vào đó, chị Hà còn đặt ra một chuẩn mực rất cao về sự chỉn chu, chuyên nghiệp và tinh thần học hỏi trong từng chi tiết nhỏ của trải nghiệm. Chị chia sẻ, làm giáo dục hôm nay không đơn thuần là làm đúng chuyên môn sư phạm, mà còn cần tiếp thu kỹ năng tổ chức, công nghệ, quản lý trải nghiệm và cả tư duy truyền thông. Vì đây là những yếu tố góp phần tạo nên, khơi dậy sự hứng thú, khát vọng học hỏi nơi người học.
Giáo dục cần chuẩn bị cho người học không chỉ để làm nghề, mà để sống một cuộc đời có tư duy, cảm xúc và giá trị.
Với chị Hà, giáo dục trải nghiệm là một hành trình vô tận, không có đích đến cố định. Mỗi năm, đội ngũ phải thiết kế những mùa thi, mùa hoạt động mới hơn, sâu hơn, chạm đúng hơn vào cảm xúc và nhu cầu thế hệ trẻ. Mỗi thế hệ lại đặt ra những bài toán mới, đòi hỏi người làm chương trình không ngừng học hỏi, lắng nghe và đổi mới. Không có khuôn mẫu cố định nào cho một trải nghiệm thành công, chỉ có một kim chỉ nam duy nhất: người học cảm thấy hạnh phúc, được là chính mình, và lớn lên từ trải nghiệm đó.
Nếu bạn là phụ huynh đang tìm kiếm môi trường giáo dục chất lượng, là giáo viên đang khơi dậy lại tình yêu nghề, là học sinh muốn khám phá bản thân thì thân mời bạn lắng nghe câu chuyện của Trưởng Ban Công tác học đường, Mảng giáo dục, Tập đoàn FPT. Bạn có thể chia sẻ để nhiều người hiểu nền giáo dục Việt Nam luôn có những người thầy cô giáo cần mẫn, tận tụy và đầy khát vọng với nghề.
—
Theo dõi Kênh Bản lĩnh Việt Nam trên các nền tảng:
► Website: banlinhvietnam.com
► Youtube: https://www.youtube.com/@kenhbanlinhVietNam
► Tiktok: https://www.tiktok.com/@kenhbanlinhvietnam
► Fanpage: https://www.facebook.com/kenhbanlinhvietnam
► Spotify: https://open.spotify.com/show/0IhZQSIcztS56yJFqvLAwo